​Trà đạo hay trà nghệ, hoa đạo hay hoa nghệ?

Trong thời gian du học tại Nhật, tôi đều quan sát các câu lạc bộ ngoại khoá của sinh viên Nhật, những người có chung sở thích. Nhưng điều nằm ngoài dự liệu của tôi là những câu lạc bộ này đa phần đều đặt tên bằng chữ “Đạo”, ví như “Không quyền đạo”, “Hợp khí đạo”, còn có “Đài quyền đạo” (Taekwondo) bắt nguồn từ Hàn Quốc. Những môn được đặt tên bằng chữ “Đạo” này đều có yêu cầu vô cùng nghiêm khắc khi nhập môn, cũng như sự giáo dục thường ngày.
 
Trà đạo hay trà nghệ, hoa đạo hay hoa nghệ?
Trà đạo hay trà nghệ, hoa đạo hay hoa nghệ?

Môn “Thiếu Lâm Quyền” bắt nguồn từ Trung Hoa, tới Nhật Bản lại được gọi là “Thiếu Lâm Tự Quyền Pháp”. Ngoài việc học tập những chiêu thuật và kỹ nghệ ra, họ còn giáo dục tâm pháp và vũ đức. Kỳ thực, không chỉ những câu lạc bộ về lĩnh vực thể dục thể thao được gọi là “Đạo”. “Thư Đạo”, “Trà Đạo” và “Hoa Đạo” cũng là những kỹ nghệ sở trường của người Nhật.

Trung Hoa vốn là nơi phát tích của Đạo, nhưng ngày nay do văn hóa truyền thống bị phá hoại thảm khốc qua Đại Cách mạng văn hóa, nên những kỹ nghệ dùng “Đạo” và “Pháp” (từ ngữ mang tính tín ngưỡng) đặt tên hầu như không còn tồn tại ở Trung Quốc hiện đại. “Trà Đạo” và “Hoa Đạo” đã trở thành những thứ hàm hồ là “Hoa nghệ” (Nghệ thuật thưởng hoa) và “Trà nghệ” (Nghệ thuật thưởng trà).

Mặc dù “Đạo” và “Nghệ” chỉ khác nhau một chữ, nhưng nội hàm của nó lại hoàn toàn khác biệt.

Tôi từng nhiều lần chứng kiến những đại sư “Trà Đạo” người Nhật biểu diễn trước cả ngàn người. Trà Đạo của Nhật coi trọng sự thanh cao, trang trọng và lễ nghi. Những dụng cụ sử dụng cũng đều được lựa chọn vô cùng tỷ mỷ, khi đó việc thưởng trà lại càng có thêm phẩm vị, cảnh giới tinh thần ấy đã vượt xa khỏi phạm vi thưởng trà.

Người Nhật coi “Trà Đạo” là một phương thức giáo dục tình cảm và tiết tháo của con người. Trong quá trình thưởng trà, phụ nữ Nhật Bản lại càng chú trọng việc dần dần bồi đắp, nuôi dưỡng thế giới nội tâm ưu nhã, tĩnh tại. Trà đạo của người Nhật nhấn mạnh thế giới tinh thần Thanh, Tĩnh, Hoà, Tịch (Thanh cao, tĩnh lặng, hài hoà, cô tịch). Phụ nữ Nhật Bản có thể hấp thu linh cảm trong tinh thần của Trà đạo, dùng nó để che chở sự tĩnh lặng và hài hoà bên trong nội tâm. Còn “Trà nghệ” (Nghệ thuật thưởng Trà), kỳ thực nội hàm của nó chỉ sót lại việc thưởng thức vị trà và giải khát mà thôi.

“Hoa Đạo” của Nhật bắt nguồn sớm nhất từ việc dâng hoa tại Phật đường từ thời Đường du nhập sang. Sau đó nó lần lượt sinh ra các trào lưu, môn phái khác nhau và dần dần trở thành một mắt xích quan trọng để giáo dục phụ nữ. Tư tưởng Thiên Địa Nhân nhất thể hài hoà, thống nhất xuyên suốt bởi nhân nghĩa, lễ nghi, ngôn hành của “Hoa Đạo”, cũng như trong những tạo hình cơ bản, màu sắc, cảnh giới tình cảm và nét tinh tuý của nghệ thuật cắm hoa. Thông qua sự hài hoà thống nhất giữa đường nét, màu sắc, hình thái và cảm xúc để truy cầu cảnh giới “Tĩnh, Nhã, Mỹ, Chân, Hoà”.

Từ một cảnh giới cao hơn mà xét, Hoa Đạo đầu tiên là một kiểu khí chất, nó có thể dần bồi đắp nên sự hài hoà và lịch sự, nho nhã với những người ham thích cắm hoa. Còn nghệ thuật cắm hoa chỉ coi hoa tươi như một món hàng thương mại, tác dụng của nó cũng chỉ dừng ở việc ngắm hoa, thưởng hoa mà thôi.

“Thư Đạo” là nghệ thuật tổng hợp trong Thư pháp Nhật Bản, nó truy cầu sự hoàn mỹ, thống nhất trong cảnh giới, tình cảm, tiết tháo và hiệu quả của nghệ thuật thị giác. Những nhà thư pháp chân chính cũng đều là những người tu đạo. Họ coi quá trình học tập và sáng tác thư pháp là việc tu hành trong đời người. Người Nhật, đặc biệt là phụ nữ Nhật thường mang đến cho người khác cảm giác thư thái và tĩnh lặng. Vẻ thư thái, tĩnh lặng này mang tới sự yên bình trong tâm hồn. Khí chất này hoàn toàn không thể có được nhờ trang điểm và phục sức, mà xuất phát từ sự tu luyện trong nội tâm. Phụ nữ Nhật vô cùng coi trọng việc học “Đạo”. Họ chú trọng dùng “Đạo” để nuôi dưỡng dung nhan, dùng “Đạo” để tu tâm.

Kỳ thực dẫu là “Thư Đạo”, “Trà Đạo”, “Hoa Đạo”, hay “Không Thủ Đạo”, “Hợp Khí Đạo”, “Thiếu Lâm Tự Quyền Pháp”, không thứ nào là không bắt nguồn từ văn hoá Trung Hoa 5.000 năm. Điều đáng tiếc nhất là nền văn hóa đó đã bị hủy diệt mất qua các cuộc vận động.

Tam giáo của phương Đông – Nho giáo, Đạo giáo và Thích giáo – chính là văn hoá tu luyện. Nó có thể khiến con người được gột rửa tâm linh, biết kính sợ Thần Phật, đề cao cảnh giới tinh thần, giúp con người đạt được sự thăng hoa trong tâm hồn thông qua việc tu hành.

Khổng Tử nói: “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ”, ý rằng “Chí cao xa dựa vào Đạo, căn cứ hành sự dựa vào Đức, đối nhân xử thế dựa vào Nhân, tiêu khiển dựa vào Nghệ thuật”. Những văn nhân thời cổ đại, gảy đàn vẽ tranh, ngâm thơ xướng nhạc, thư pháp điêu luyện, chơi cờ tinh thông. Họ thưởng thức khúc đàn “Cao Sơn Lưu Thuỷ”, nghe hạc kêu giữa buổi sớm nơi sông núi, đại ngàn. Đây thiết tưởng có khác chi việc tu hành. Giáo dục về lễ nghĩa, âm nhạc, thơ phú cũng là nhất mạch tương thông, đều là đưa con người về gần với Đạo. Vậy nên mới nói “Đạo” cao hơn “Nghệ”.

(Theo Vision Times tiếng Trung / Thiên Cầm biên dịch)

© Bản quyền thuộc về Tôi Yêu Trà

Địa chỉ: Tòa CT14A1, KĐT. Ciputra, Võ Chí Công, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

loading